Tiềm năng ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất an toàn ở ĐBSCL Tin thị trường 03 Tháng Mười , 2022 2 năm trước Linkedin Email Facebook Ở ĐBSCL nông dân trồng lúa sử dụng phân hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học ngày càng nhiều. Kết quả nghiên cứu giúp giảm giá thành sản xuất, bảo vệ tốt môi trường. Ưu việt phân bón hữu cơ TS Trịnh Quang Khương – Trưởng Bộ môn Nông học (Viện Lúa ĐBSCL) đã ghi nhận từ hoạt động nghiên cứu và thực nghiệm trên đồng về tính năng, hiệu quả, sự ưu việt của các sản phẩm phân bón hữu cơ vi sinh và các chất thải tạo đất phù hợp với định hướng sản xuất lúa bền vững, an toàn. ĐBSCL có 2 nguồn chính là phân hữu cơ sản xuất công nghiệp như hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh, hữu cơ khoáng và tàn dư thực vật và phụ phẩm. Ở ĐBSCL khối lượng phân hữu cơ các loại sử dụng bón cho cây trồng mất cân đối nghiêm trọng so với phân bón vô cơ, do các nguồn nguyên liệu cho sản xuất phân bón hữu cơ đang bị lãng phí nghiêm trọng. Phân bón hữu cơ vi sinh là những chế phẩm trong đó có chứa các loài vi sinh vật có ích. Trong phân bón hữu cơ có nhiều nhóm vi sinh vật có ích bao gồm vi khuẩn, nấm, xạ khuẩn được sử dụng để làm phân bón, cải tạo đất. Trong số đó quan trọng là các nhóm vi sinh vật cố định đạm, hoà tan lân, phân giải chất hữu cơ, kích thích sinh trưởng cây trồng… Theo TS Trịnh Quang Khương, ghi nhận hiệu quả thực tế sản xuất từ các mô hình trồng trọt khi áp dụng các sản phẩm hữu cơ vi sinh phát triển nông nghiệp bền vững là cân đối phân bón vô cơ – hữu cơ. Đã có nhiều kết quả nghiên cứu đã chứng minh trên hầu hết các loại đất, phân bón vô cơ có mối quan hệ qua lại rất chặt với phân hữu cơ. Bón phân hữu cơ làm tăng hiệu suất sử dụng phân đạm 30-40%, phân lân 20-25% và thay thế được 30-40% phân kali với lượng bón 10 tấn hữu cơ/ha. Khi ứng dụng loại phân hữu cơ này bón cho cây lúa, cây bắp lượng phân hóa học giảm từ 20-30%, năng suất cây trồng tăng từ 10-15% góp phần tiết kiệm chi phí sản xuất và gia tăng giá trị kinh tế cho bà con nông dân. Nếu toàn bộ số rơm rạ sau thu hoạch của cả nước khoảng 50 triệu tấn được xử lý sẽ đem lại hơn 3 triệu tấn phân hữu cơ, người nông dân không phải bỏ tiền mua phân hóa học (NPK) là 220.000 tấn đạm, 200.000 tấn lân và 480.000 tấn kali. Kết quả nghiên cứu ở Viện Lúa ĐBSCL cho thấy bón liên tục phân hữu cơ rơm rạ ở mức 6 tấn/ha/vụ và bón phối hợp 60% phân N, P, K hoá học theo khuyến cáo thì năng suất lúa cao hơn so với bón hoàn toàn 100% phân N, P, K hóa học. Như vậy nguồn phân hữu cơ rơm rạ nếu được bón dài hạn qua nhiều năm giúp giảm được từ 40-60% phân N, P, K hoá học theo mức khuyến cáo và cho năng suất lúa tương đương. Nguồn: https://nongnghiep.vn/tiem-nang-ung-dung-che-pham-sinh-hoc-trong-san-xuat-an-toan-o-dbscl-d310216.html