Nhảy đến nội dung

Nông dân xứ Thanh ‘chữa lành’ cho đất

Thanh Hoá – Một số mô hình sản xuất lúa an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu tại Thanh Hoá được triển khai, bước đầu đã cho thấy hiệu quả.

“Bảo mẫu” đồng ruộng

Lão Khải (ông Nguyễn Xuân Khải, quê xã Yên Thọ, huyện Yên Định, Thanh Hóa) cứ rong ruổi “vác tù và hàng tổng” hết ngày này đến tháng khác, qua hầu khắp các thôn, xã của tỉnh Thanh Hóa. Chính lão cũng không nhớ nổi mình đã gặp và tiếp xúc với bao nhiêu người dân thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác lúa theo hướng hữu cơ. Lão làm như vậy cũng là có nguyên do của mình.

Cách đây vài năm, vườn bưởi Diễn của lão được công nhận hữu cơ, cũng là mô hình đầu tiên trên địa bàn tỉnh nhận được vinh dự này. Nhắc lại câu chuyện bén duyên với làm bưởi hữu cơ, tâm trí lão hỗn độn với nhiều suy nghĩ khó tả. Với nông nghiệp hữu cơ, lão đã phải trả giá bằng mồ hôi, nước mắt và tiền bạc, rồi vỡ òa trong sung sướng khi thành công với ý tưởng, trước sự ngỡ ngàng của nhiều người.

Ông Nguyễn Xuân Khải (bên trái) trao đổi với phóng viên về quy trình canh tác lúa theo hướng hữu cơ. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Nguyễn Xuân Khải (bên trái) trao đổi với phóng viên về quy trình canh tác lúa theo hướng hữu cơ. Ảnh: Quốc Toản.

Lão quyết định làm nông nghiệp hữu cơ vì muốn tốt cho cộng đồng và hướng người dân tới nền sản xuất nông nghiệp an toàn, thân thiện với môi trường.

Sau cây bưởi, lão chọn cây lúa để thử nghiệm quy trình canh tác theo hướng hữu cơ. Sở dĩ lão chọn cây trồng này là bởi Thanh Hóa vẫn là đất sản xuất nông nghiệp, người dân chủ yếu sống nhờ cây lúa.

Tất nhiên, lão nói bà con ai nấy đều gật đầu tăm tắp vì lão có chuyên môn, kinh nghiệm. Tuy nhiên, một mình lão không đủ sức để làm việc này vì tiềm lực và sức khỏe có hạn. Có lần, tình cờ lão gặp được lãnh đạo Công ty Cổ phần Eco Nutrients Miền Trung – đơn vị nhập khẩu và phân phối độc quyền các sản phẩm phân bón hữu cơ, và ngay lập tức hai bên đã bắt tay hợp tác vì những quan điểm tương đồng.

Nhiệm vụ của lão là phổ biến cho dân cách làm lúa theo hướng hữu cơ và sử dụng chế phẩm sinh học an toàn cho cây trồng. Lão thay mặt Công ty đứng ra cam kết, nếu năng suất làm lúa theo hướng hữu cơ không đạt, lão bỏ tiền ra đền cho dân, đồng thời thu mua lúa cho bà con với giá cao hơn 20% so với thị trường. Sau nhiều tháng vận động, cuối cùng nhiều bà con tại huyện Nga Sơn và Triệu Sơn cũng dần xuôi theo ý lão.

Cây lúa áp dụng quy trình tưới ngập - khô xen kỹ phát triển rất khỏe, sạch sâu bệnh. Ảnh: QT.

Cây lúa áp dụng quy trình tưới ngập – khô xen kỹ phát triển rất khỏe, sạch sâu bệnh. Ảnh: QT.

Trưa nắng, lão dẫn chúng tôi ra cánh đồng lúa của xã Ba Đình (huyện Nga Sơn) để chứng kiến tận mắt cách lão “chữa lành” cho đất. Lão khoe, mình đang làm “bảo mẫu” cho gần 20ha lúa tại đây. Các công đoạn từ chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh… một mình lão làm hết. Bà con chỉ phải trả công cho lão sau khi thu hoạch lúa.

Chân ruộng lúa mà lão đang đứng có thể nghe rõ tiếng lách tách của đàn cá rô đồng đang quẫy đuôi. Lão nhắc đi nhắc lại nguyên tắc trong sản xuất lúa hữu cơ là tuyệt đối không sử dụng phân, thuốc hóa học. Lão thách, nếu ai phát hiện ra vỏ thuốc bảo vệ thực vật hóa học quanh ruộng thì muốn gì lão cũng chiều.

Ruộng lúa của lão vẫn có ốc bươu vàng bám trên thân cỏ ven bờ nhưng không gây hại lúa. Lão tiết lộ, trong quá trình canh tác, nông dân đã sử dụng một loại tinh dầu đặc chủng để “đánh lừa” khứu giác, khiến ốc và sinh vật gây hại tránh xa cây lúa.

“Làm nông nghiệp hữu cơ phải đảm bảo ‘công bằng trong sự sống’. Tất cả các loại côn trùng và thực thể tồn tại trong môi trường đều có sứ mệnh của riêng mình giúp đảm bảo cân bằng sinh thái. Do đó, phải có phương pháp quản lý, bảo vệ cho côn trùng sống hết vòng đời, nhưng không gây hại đến cây trồng”, lão Khải triết lý.

Phân bón lão dùng cho cây lúa hoàn toàn hữu cơ, được chế biến từ đạm cá, tôm, tảo biển…, chất lượng không hề thua kém phân bón vô cơ, thậm chí nhỉnh hơn. Giá thành loại phân bón hữu cơ này tuy cao hơn so với phân bón vô cơ, nhưng lão đang cung cấp cho người dân bằng với giá các loại phân bón khác.

Chim làm tổ tại ruộng lúa canh tác theo hướng hữu cơ. Ảnh: Quốc Toản.

Chim làm tổ tại ruộng lúa canh tác theo hướng hữu cơ. Ảnh: Quốc Toản.

Với lão, cây lúa phải đáp ứng được tiêu chí sạch, có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng và quan trọng là thân thiện với môi trường. Tôi hỏi lão: Làm sao có thể kiểm chứng được lúa sạch theo cách làm của lão? Lão chỉ cười rồi đáp ngắn gọn nhưng khá dễ hiểu: “Ruộng của tôi có chim làm tổ, cá sống khỏe thì tất nhiên lúa và gạo sẽ sạch”.

Năm ngoái, cánh đồng lúa tại huyện Triệu Sơn mà lão nhận làm “bảo mẫu” canh tác theo hướng hữu cơ đạt năng suất 7 tấn/ha. Lúa gạo thành phẩm của bà con bán ra đắt như tôm tươi, thậm chí cháy hàng.

“Chữa lành” cho đất

Vụ mùa 2024 là vụ đầu tiên Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Định (Thanh Hóa) thực hiện thí điểm dự án tín chỉ carbon và kỹ thuật tưới ngập – khô xen kẽ trong sản xuất lúa để giảm phát thải khí Metan(CH4) tại xã Yên Phong trên diện tích 100ha với 434 hộ dân tham gia.

Bà Nguyễn Hương Giang, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Định cho biết, tất cả các hộ dân tham gia mô hình đều phải tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật tưới ngập – khô xen kẽ theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật dự án. Mỗi giai đoạn tương ứng với từng thời kỳ sinh trưởng và phát triển của cây lúa được áp dụng kỹ thuật tưới nước ngập – khô xen kẽ phù hợp.

“Do tập quán canh tác, sau khi thu hoạch vụ xuân, bà con nông dân thường lấy nước tiến hành làm đất và gieo cấy vụ mùa ngay nên không có thời gian để đất nghỉ, dẫn đến việc các tồn dư trong đất như rơm rạ, cây cỏ, gốc lúa… chưa phân hủy kịp. Rơm rạ tươi trong một thời gian nhất định sẽ phân hủy trong điều kiện ngập nước, yếm khí nên sinh ra acid hữu cơ, từ đó tạo ra lượng khí Metan (CH4) gây ra ngộ độc bộ rễ lúa.

Để giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa, phương pháp tưới ngập – khô xen kẽ hay còn gọi là phương pháp tưới “nông, lộ, phơi” là một biện pháp kỹ thuật vô cùng quan trọng trong sản xuất nông nghiệp nói chung, góp phần giảm phát thải khí nhà kính”, bà Giang chia sẻ.

Xã Yên Phong (Yên Định, Thanh Hóa) được chọn thí điểm triển khai dự án tín chỉ carbon và kỹ thuật tưới nước ngập - khô xen kỹ trong sản xuất lúa trong vụ mùa 2024. Ảnh: Quốc Toản.

Xã Yên Phong (Yên Định, Thanh Hóa) được chọn thí điểm triển khai dự án tín chỉ carbon và kỹ thuật tưới nước ngập – khô xen kỹ trong sản xuất lúa trong vụ mùa 2024. Ảnh: Quốc Toản.

Cũng theo cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Định, việc áp dụng phương pháp canh tác tưới ngập – khô xen kẽ giúp giảm lượng nước tưới 30 – 50% so với sản xuất nông nghiệp truyền thống. Bên cạnh đó, lượng phân bón vô cơ sử dụng trong sản xuất cũng giảm từ 10 – 20%, giúp nông dân tiết kiệm được khá nhiều chi phí và công sức lao động.

Chị Đỗ Thị Sinh, nông dân xã Yên Phong cho biết: “Nếu canh tác theo lối truyền thống thì khi nào chân lúa cũng phải ngập nước. Ban đầu người dân lo ngại việc giảm mực nước sẽ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Tuy nhiên khi thực hiện theo quy trình kỹ thuật theo từng giai đoạn bằng việc áp dụng phương pháp tưới ngập – khô xen kẽ thì bộ rễ phát triển tốt hơn, cây lúa rất khỏe, chống đổ ngã tốt hơn. Đặc biệt lượng phân bón và vật tư đầu vào giảm nhiều so với canh tác lúa thông thường”.

Việc “chữa lành” cho đất bằng phương pháp tưới nước ngập – khô xen kẽ trong sản xuất lúa cho phép giảm mực nước trong ruộng xuống thấp tới 15cm mà không ảnh hưởng tới sự sinh trưởng, phát triển cũng như năng suất lúa. Khi ruộng khô nước, vi sinh phân giải khí metan sẽ không hoạt động hay nói cách khác phát thải sẽ giảm.

Contact Me on Zalo
0981757779